Ngày đăng kí:2016.08.01
nhận xét
Ichijo Ryokan () là một quán trọ lâu đời có tuổi đời từ những năm 20. Tòa nhà chính bằng gỗ và tòa nhà Yumukai được xây dựng cách đây hơn 80 năm và vẫn giữ được dáng vẻ ban đầu. Đây là một tòa nhà bằng gỗ có giá trị và được chỉ định là tài sản văn hóa hữu hình đã được đăng ký quốc gia. Hành lang dẫn từ tòa nhà mới với các phòng nghỉ đến tòa nhà chính bằng gỗ, là địa điểm ăn uống, giống như một đường hầm thời gian. Bạn có thể trải nghiệm sự khác biệt giữa kiến trúc nhà trọ hiện đại và kiến trúc nhà trọ cũ. Trong tòa nhà mới còn có một bồn tắm lộ thiên được bao quanh bởi những khu rừng, nơi bạn có thể thưởng ngoạn phong cảnh bốn mùa, với cây cối xanh tươi vào mùa xuân và mùa hè, màu lá vào mùa thu và cảnh tuyết rơi vào mùa đông.
open
Chú thích
Tổ tiên của lữ quán Ichijo từng là quý tộc phụng sự cho Thiên Hoàng. Vào thời chiến quốc (1467-1615) ông đã phục vụ cho lãnh chúa Imagawa Yoshimoto (1519-1560), người đầu tiên thống trị tỉnh Suruga (nay là tỉnh Shizuoka) và vùng Chubu của Nhật Bản. Năm Vĩnh Lộc thứ 3 (1560), sau khi thất bại trong trận chiến tranh giành quyền lực Okehazama, ông đã bỏ chạy về vùng Tohoku. Tương truyền rằng trên đường tháo chạy, ông đã trị thương tại làng suối nước nóng Kamasaki (mở vào năm 1428). Từ đó, ông bắt đầu xây dựng nhà nghỉ ở đây, lâu dần trở thành nơi nghỉ dưỡng suối nước nóng được ưa thích. Ở vùng này do diện tích đất bằng bị hạn chế, lữ quán đã không ngừng cải tạo những chỗ dốc đứng, xây thêm phòng ốc nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Cứ thế, lữ quán Ichijo đã trở thành lữ quán có lịch sử lâu đời nhất ở làng suối nước nóng Kamasaki. Ngày nay, nơi đây chính là lữ quán tiêu biểu kế thừa cảnh quan lịch sử của vùng này.
Vào năm Chiêu Hòa thứ 12 (1937), do mưa lớn kéo dài mà tòa nhà chính của lữ quán đổ sụp và phải xây dựng lại, đến năm Chiêu Hòa thứ 16 (1941) thì hoàn thành.
Gỗ dùng để xây dựng là những cây tùng có tuổi thọ trung bình 100 năm được chặt mang về từ ngọn núi thuộc sở hữu của lữ quán. Xây nên một tòa nhà bằng gỗ bốn tầng, với ba tầng trên mặt đất và một tầng hầm.
Mỗi tầng đều được bao bọc bởi lan can và mái hiên được lợp bằng đồng tấm, cửa kính viền khung gỗ hài hòa cùng vách thạch cao màu trắng phía trên các khung trang trí đã tạo nên một vẻ ngoài độc đáo cho nơi đây.
Tuy hầu như không có tường xung quanh bề mặt bên ngoài nhưng có cột trụ hình vuông 17cm chống đỡ phần cấu trúc chính. Chính giữa tòa nhà bố trí vách ngăn giao vuông góc với tường chính đóng vai trò như khung xương chống đỡ tòa nhà, tạo nên một kiến trúc vững chắc đàn hồi khó bị hư hại. Khung nhà (tổ trục) có kết cấu khung giàn hình tam giác cân nên cực kỳ kiên cố.
Ngay cả khi xảy ra trận động đất lớn ở phía đông Nhật Bản vào năm Bình Thành thứ 23 (2011), ngoài một số phụ kiện bằng gỗ bị bong ra, cả tòa nhà không bị hư hại gì.
Hiện nay, tòa nhà này được dùng làm nhà hàng Nhật Bản có các phòng ăn riêng cho các du khách trọ tại đây.
Tòa nhà Yumukai được xây vào năm Chiêu Hòa thứ 8 (1933), là một tòa nhà gỗ hai tầng với kiểu mái dốc hai bên được lợp bằng tôn.
Giống như tòa nhà chính, ở mỗi tầng có tất cả tám phòng kiểu Nhật xếp xung quanh hành lang.
Không gian dầm sàn nằm sát cửa sổ còn gọi là “Hiroen” (hành lang rộng) ta thấy ở lữ quán hiện tại là dấu tích còn sót lại của phần viền bao quanh được tìm thấy ở tòa nhà gỗ chính và tòa nhà Yumukai. Thời ấy, phòng nghỉ trong các lữ quán Nhật Bản đều theo cấu trúc có thể đi vào từ hành lang bên ngoài. Thế nhưng từ thời Minh Trị (1868-1912) trở đi, bắt đầu có nhiều khách nước ngoài đến trọ, vì vậy để đảm bảo sự riêng tư, các phòng đã được dựng thêm vách ngăn ở hành lang bên ngoài, đồng thời cửa được dời sang phía bên kia phòng. Thêm nữa, vào năm Chiêu Hòa thứ 27 (1952), “Luật Quản lý Khách sạn Tham quan Quốc tế” được ban hành với mục đích giúp khách du lịch nước ngoài có thể sử dụng các cơ sở nghỉ trọ một cách thoải mái. Trong luật có quy định việc bài trí Hiroen trong phòng nghỉ (không gian có đặt bàn và ghế).
Tòa nhà gỗ chính và tòa nhà Yumukai vẫn giữ được nguyên vẹn phong cách hành lang ngoài hay gặp trong kiến trúc lữ quán Nhật Bản cổ xưa, là một công trình quý báu thuật lại sự biến đổi về lịch sử của kiến trúc lữ quán. Hiện nay, tòa nhà này được dùng làm nhà hàng Nhật Bản có các phòng ăn riêng cho các du khách trọ tại đây.
Tòa nhà này được gọi là “kho”, là nơi an toàn dùng để chứa vật tư. Nó được xây vào thời Edo (1603-1868) nhưng không rõ năm khởi xây.
Quy trình thi công đầu tiên là dựng cột, kế đến dùng trúc và dây thừng sợi thực vật làm nền móng cho phần tường. Sau đó trét lên nhiều lớp đất, dựng thành vách, rồi quét vôi sống là hoàn thành. Vì là kiểu tường trát vữa khó cháy nên đây là một kết cấu chịu nhiệt, có tính năng chống ẩm tuyệt vời.
Mái nhà cũng là kiểu mái dốc hai bên được lợp bằng tôn, ở cửa ra vào phía Bắc có mái hiên che mưa nhỏ, còn gọi là Hisashi.
Cửa ra vào có ba lớp. Lớp thứ nhất là cửa làm bằng đất sét, bên trong là cửa ván gỗ và một cửa song chắn dọc. Cả tòa nhà chỉ trổ mỗi cửa ra vào và cửa sổ bằng đất sét nên khi xảy ra hỏa hoạn chỉ việc trét đất lên là có thể ngăn lửa lan đến.
Ngoài ra, tòa nhà còn có kết cấu bền chắc nhờ các cột trụ to và những thanh xà ngang dày. Năm 2011 đã xảy ra trận động đất mạnh ở phía đông Nhật Bản nhưng việc không hư hại gì đã chứng minh được sự kiên cố của nó.
Thông tin di sản văn hóa
【Thời gian】
Nhận phòng: 15:00 (nhận phòng lần cuối 19:00) Trả phòng: 11:00 Đặt chỗ/Yêu cầu: 7:30-22:00
【Ngày nghỉ định kì】
-
【Giá tiền】
Chỗ ở: 1 phòng cho 2 người Từ 22,150 yên cho 1 người lớn * Giá thay đổi tùy theo số lượng người, ngày trong tuần, múi giờ, phòng, v.v.